Ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức ra đời, mở ra một thời kỳ mới cho sự hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á và hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới tiếp cận với thị trường hơn 600 triệu dân, tổng GDP nội khối 2.300 tỉ USD... Các Doanh nghiệp giấy Việt Nam đã đón nhận cơ hội này như thế nào?
Sáng 28/12, tại Tp.HCM, Trường Doanh nhân PACE đã công bố kết quả Dự án nghiên cứu khảo sát trên trong bối cảnh Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chuẩn bị chính thức thành lập trong vài ngày tới. Đây được xem là hai sự kiến chính trong số những sự kiện kinh tế trong năm 2015 ảnh hưởng lớn đến tương lai nền kinh tế trong giai đoạn tới. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh DNVN ít quan tâm đến hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện quả tỷ lệ phần trăm các DN chưa biết đến và hầu như không quan tâm đến AEC (56,8%), TPP (40,9%) và WTO (33,4%). Cụ thể hơn, có 85,5% DN không nắm được những điều khoản cụ thể của AEC, tỷ lệ này đối với TPP là 77,8% và đối với WTO là 66,3%.
Và theo khảo sát của chúng tôi thì gần như 100% các Doanh nghiệp giấy Việt Nam không quan tâm đến AEC. Thậm chí nhiều người còn cho rằng AEC không có chút ảnh hưởng nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi cho rằng việc hình thành AEC mang lại cả lợi ích và thách thức cho Việt Nam do phải thực hiện cắt giảm hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ cộng đồng AEC, trong đó có sản phẩm giấy về 0% vào năm 2018.
Đây là một thách thức rất lớn khi mà chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2015 kim ngạch nhập khẩu giấy các loại ước đạt 1,06 tỷ USD, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng với kim ngạch 21 triệu USD). Trong 8 nhóm hàng giấy nhập khẩu chính, duy nhất nhóm HS 48.11 giá tăng 0,30%. Các nhóm còn lại giá giảm dưới 11%, nhóm giá giảm nhiều nhất là HS 48.01 với 10,89%, tiếp đến là HS 48.10 giảm 5,67% và ít nhất là HS 48.02 với 1,59%. Nhóm HS 48.10 (giấy và cáctông, đã tráng một hoặc cả hai mặt bằng một lớp cao lanh hoặc bằng các chất vô cơ khác…) chủ yếu được các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường tham gia AEC hoặc TPP như Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Áo, Malaysia...
Ngoài ra các doanh nghiệp giấy còn đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám khi mà thị trường lao động tự do cũng là một trong những nội dung đã được thêm vào. Trong Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (MNP) được các nước thành viên ký kết năm 2012 có ghi: "Các quốc gia cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân, hướng tới tự do hóa lao động có kỹ năng trong ASEAN”. Vì vậy, AEC sẽ tác động trực tiếp tới thị trường lao động của các nước nói riêng và của khu vực nói chung.
Điều quan trọng với các doanh nghiệp giấy trong thời gian tới là chuyển dịch cơ cấu sản phẩm để tập trung vào những phân khúc thị trường mình có thế mạnh, đầu tư hiện đại hóa công nghệ để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.