Thị trường bột giấy thế giới 4 tháng đầu năm 2014 biến động không đồng nhất giữa các loại bột giấy. Bột NBSK tại thị trường Châu Âu và thị trường Mỹ liên tục tăng giá kể từ đầu năm 2014 đến nay, với mức tăng 39,24 USD/tấn so với đầu tháng 1/2014 tại Mỹ; tăng 15,69 USD/tấn tại thị trường châu Âu và tăng 10,38 USD/tấn tại Trung Quốc (ngày 15/4/2014 giá NBSK tại Mỹ 1.029,56 USD/tấn, tại Châu Âu 924,05 USD/tấn và tại Trung Quốc 752,78 USD/tấn). Nguyên nhân, do đồng Euro tăng giá so với đồng USD tại thị trường Châu Âu, làm giá bột giấy tăng.
Ngược lại, bột giấy BHK tại thị trường Châu Âu giảm 10,92 USD/tấn so với đầu năm và tại Trung Quốc giảm mạnh 27,94 USD/tấn (xuống mức 758,65 USD/tấn tại Châu Âu và 625,09 USD/tấn tại Trung Quốc vào ngày 15/4/2014). Giấy in báo trên thị trường Mỹ giá cũng giảm nhẹ 1,85 USD/tấn đối với loại 30 lb, đạt 583,94 USD/tấn ngày 15/4/2014 và giảm 2,79 USD/tấn đối với loại 27 lb, ở mức 621,1 USD/tấn. Giấy photo A4 cũng giảm giá mạnh tại thị trường Châu Âu, còn 823,35 EURO/tấn ngày 15/4, giảm 14,28 EURO/tấn so với đầu tháng 1/2014.
Theo Hiệp hội Giấy Châu Âu, nguồn cung bột giấy trên toàn thế giới tháng 2/2014 đạt 3,486 tỷ tấn, tăng 2,3% so với tháng 1/2014 nhưng giảm 1,1% so với tháng 2/2013. Tồn kho đến cuối tháng 2/2014 đứng ở mức 36 ngày tiêu thụ, tăng 1 ngày so với cuối tháng 1/2014, nhưng không đổi so với tháng 2/2013.
Tồn kho bột giấy châu Âu tính đến cuối tháng 2/2014 là 637.700 tấn, giảm 14.000 tấn (tức 2,1%) so với tháng 1/2014 và giảm 25.400 tấn (tức 3,8%) so với tháng 2/2013. Tồn kho ở mức 20 ngày tiêu thụ, giảm 1 ngày so với tháng trước đó và giảm 1 ngày so với cùng kỳ năm trước.
Tiêu thụ bột giấy châu Âu tháng 2/2014 đạt 916.800 tấn, giảm 63 800 tấn (tương đương 6,5%) so với tháng 1 và giảm 28.800 tấn (tức 3%) so với tháng 2/2013.Nguồn cung bột giấy NBSK Châu Âu tăng nhẹ 0,5% ở các thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu. Tiêu thụ bột giấy BHK Trung Quốc tăng 21% trong 2 tháng đầu năm và riêng tháng 2 tăng 25%, tăng khoảng 60.000 tấn so với mức trung bình hàng tháng của năm 2013.
Tồn kho bột giấy tại các cảng châu Âu tháng 3/2014 tăng 13.900 tấn, tương đương 1,3% so với tháng 2, đạt 1,06 triệu tấn, còn so với tháng 3 năm ngoái thì tăng 87.400 tấn, tức tăng 9%.
Nhu cầu giấy in, giấy viết trong tháng 3 tại thị trường Bắc Mỹ giảm 4,4% so với tháng 2; tại châu Âu, giảm 5,6%. Mặc dù mưa lớn, sản xuất giấy đồ họa của Nhật Bản vẫn tăng gần 5%. Nhập khẩu giấy in và giấy viết trên thế giới vẫn tiếp tục tăng0,7% so với tháng 2.
1. Nguồn cung qua nhập khẩu
Tháng 3/2014 nhập khẩu giấy các loại về Việt Nam tiếp tục tăng 16,7% so với tháng 2; đưa tổng kim ngạch nhập khẩu giấy quí I/2014 lên 326,29 triệu USD, tăng 11,06% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường cung cấp giấy lớn cho Việt Nam là Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore; trong đó nhập khẩu giấy nhiều nhất từ Indonesia, chiếm 17,74% thị phần giấy nhập khẩu tại Việt Nam, với 57,88 triệu USD trong quí I/2014; tiếp đến thị trường Trung Quốc chiếm 14,67%, đạt 47,88 triệu USD; Thái Lan chiếm 14,35%, đạt 46,81 triệu USD; Đài Loan 42,83 triệu USD, chiếm 13,13%; Hàn Quốc 35,66 triệu USD, chiếm 10,93%; Singapore 29,17 triệu USD, chiếm 8,94%; Nhật Bản 20,73 triệu USD, chiếm 6,35%.
Nhìn chung nhập khẩu giấy về Việt Nam quí I/2014 từ đa số các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nhập khẩu tăng mạnh từ các thị trường như: Trung Quốc tăng 72,35%; Áo tăng 90%; Italia tăng 49,72%; Philippines tăng 47,69%. Tuy nhiên, nhập khẩu giấy lại giảm mạnh từ thị trường Thụy Điển và Hoa Kỳ với mức giảm lần lượt là 74,22% và 41,44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy –VPPA cho thấy, tổng sản lượng giấy tiêu dùng cả năm 2013 đạt mức 3 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2012. Nhưng sản xuất trong nước chỉ đạt 1,7 triệu tấn, số còn lại là sản phẩm nhập khẩu. Năm 2013, Tổng công ty Giấy Việt Nam sản xuất giấy các loại đạt 110.575 tấn, sản phẩm tiêu thụ là 115.799 tấn.
Thống kê từ VPPA cho thấy, nhu cầu tiêu thụ giấy của người Việt trung bình 32 kg giấy/năm, mới bằng một nửa so với nhu cầu trung bình của thế giới và bằng 1/10 so với người Mỹ.
Nguồn cung trong nước dồi dào, quí I/2014 sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 8,7% so cùng kỳ, tồn kho của ngành sản xuất giấy, bìa, bao bì từ giấy và bìa tăng 42,7% so cùng kỳ; bên cạnh đó, lượng hàng nhập khẩu tăng mạnh, làm tăng sức cạnh tranh với sản phẩm giấy trong nước, do đó tiêu thụ chậm, giá giấy ổn định.
Giá giấy in tại thị trường Hà Nội tháng 4/2014
Sản phẩm
|
Xuất xứ
|
Giá (đ/Ram)
|
Giấy photo Supreme A4 ĐL70 |
Thái Lan |
54.500
|
Giấy photo Supreme A4ĐL 80 |
Thái Lan |
64.500
|
Giấy DoubleA A4 ĐL80 |
Thái Lan |
70.000
|
Giấy IK Plus A4 ĐL 70 |
Indonesia
|
54.000
|
Giấy IK+ Plus A4 ĐL70 |
Indonesia
|
52.000
|
Giấy photo Paper One A4 ĐL70 |
Indonesia
|
55.000
|
Giấy photo Paper One A4 ĐL80 |
Indonesia
|
66.000
|
Giấy Bãi Bằng A4 ĐL70 |
Việt Nam
|
46.500
|
Giấy Bãi Bằng A4 ĐL60 |
Việt Nam
|
41.000
|
Giấy ppc A4 ĐL70 |
Indonesia
|
52.500
|
Giấy Clear Up A4 ĐL70 |
Việt Nam
|
51.000
|
Giấy photo màu A4 PGRAND Indo (các màu) |
Indonesia
|
95.000
|
Giá vật tư nguyên liệu đầu vào cho giấy tăng cao, trung bình khoảng 14%/năm. Vùng nguyên liệu giấy bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân như đất đai, quản lý, vốn. Thêm vào đó lượng lao động nhiều nhưng năng suất lao động thấp… là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của ngành.
Nhu cầu tiêu dùng thấp, trong khi nguồn cung trong nước dồi dào, lượng giấy nhập khẩu tăng. Mặc dù công tác thị trường đã được cải thiện, nhưng lượng giấy tồn kho cao ở các tháng đầu năm đã làm giảm hiệu quả kinh doanh.
Vấn đề lớn nhất của các DN nội địa là thiếu vốn cho đầu tư, nâng cấp trang thiết bị công nghệ, cùng với chi phí đầu vào biến động tăng không ngừng, dẫn đến sản phẩm có mẫu mã, chất lượng kém, giá thành cao.
Công tác xúc tiến thương mại còn thụ động và yếu nên không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ bên ngoài, nhất là những dòng sản phẩm cao cấp. Hậu quả là nhiều DN phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Nghịch lý lớn nhất của ngành giấy là nguyên liệu dăm gỗ để chế biến, bột giấy luôn ở tình trạng bán thấp, mua cao. Trong khi Việt Nam luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu dăm gỗ về sản lượng, nhưng giá trị rất thấp chỉ đạt trên 100 USD/tấn. Ngược lại, chúng ta lại phải trả trên dưới 1.000 USD cho một tấn bột giấy nhập khẩu.
Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn như hiện nay, cần tập trung nguồn lực để phát triển đúng ngành nghề kinh doanh. Do vậy, phải tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẵn có; phát triển trồng rừng nguyên liệu, đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo nhằm tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh.
Mặt khác phải chú ý nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của mỗi cá nhân đứng đầu đơn vị từ Tỏng công ty cho đến các công ty thành viên, công ty liên kết; tập trung tái cấu trúc DN, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường đầu ra.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN ngành giấy vẫn cần đến các chính sách của Nhà nước trong việc tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đồng bộ; đào tạo, nghiên cứu thị trường, thuế... Có như vậy ngành giấy mới tồn tại và phát triển, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Để ngành giấy nói riêng và ngành công nghiệp có sử dụng nguyên liệu tái chế nói chung phát triển, Nhà nước cần quan tâm kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu, trong đó chú trọng nguồn nguyên liệu từ giấy phế thải trong nước; có chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp tái chế. Cần có chính sách khuyến khích các DN thu gom và phân loại rác có thể tái chế, kể cả các DN sử dụng nguồn nguyên liệu từ rác tái chế. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên mà còn giải quyết được rất nhiều việc làm. Sản xuất giấy tái chế dùng ít năng lượng hơn nhiều so với sản xuất từ bột gỗ nguyên thủy. Trung bình cần khoảng 2,2 - 4,4 tấn gỗ để sản xuất được mỗi tấn bột giấy, trong khi chỉ cần 1,3 tấn giấy phế liệu sẽ cho ra 1 tấn bột giấy. Giấy có thể xoay vòng tái chế đến 6 - 7 lần, trong khi để thu hoạch gỗ, phải trồng rừng trong 7 - 8 năm. Do vậy, các nước tiên tiến sử dụng 100% nguyên liệu sản xuất giấy từ giấy tái chế.
Nhu cầu giấy in báo trên thế giới đang giảm, năng suất của các nhà máy sản xuất cũng giảm, các hợp đồng giao hàng không tăng, nên giá sẽ tiếp tục giảm.
Nhu cầu bột giấy BHK tăng ở Châu Mỹ Latinh và một số nước Châu Á; trong khi sản lượng giảm ở Bắc Mỹ. Mặt khác, giá bột giấy BSKP cao hơn nhiều so với bột giấy BHK, do đó tiêu thụ bột giấy BHK thời gian tới sẽ tăng cao, do đó giá có thể tăng nhẹ.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ giấy in, giấy viết trên thị trường trong nước vẫn ở mức bão hòa, trong khi đó thời gian hội nhập APTA; WTO ngày càng cán đích, tạo cơ hội cho giấy ngoại xâm nhập thị trường, cộng với một số dự án giấy của doanh nghiệp khác hoàn thành đầu tư, giá nhiều loại vật tư tiếp tục tăng càng làm cho sức cạnh tranh trong thị trường giấy gia tăng.
Thị trường giấy ở Việt Nam vẫn được đánh giá là có tiềm năng lớn vì dân số đông, mức tiêu thụ bình quân đầu người còn thấp so với thế giới. Trong tương lai, nhu cầu sử dụng giấy và các sản phẩm giấy sẽ tăng cao khi nền kinh tế phục hồi.