Bãi bỏ thông tư "ngốn" hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp
Written by Andy VuThông tư 37 của Bộ Công Thương là một trong những văn bản được doanh nghiệp “phàn nàn" nhiều nhất những năm qua...Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa chính thức bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may từ ngày 26/11/2016.
Theo đó, Thông tư số 37 có quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.
Đối tượng áp dụng của Thông tư 37 là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương chỉ định và ủy quyền tham gia hoạt động kiểm tra nhà nước với hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Việc thực hiệm kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may nhập khẩu được thực hiện với các hình thức: kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất.
Thông tư 37 của Bộ Công Thương là một trong những văn bản được cộng đồng doanh nghiệp “phàn nàn" nhiều nhất trong những năm qua.
Theo các doanh nghiệp, sản phẩm dệt may phải kiểm tra trong Thông tư 37 quá nhiều, không cần thiết, thủ tục rườm rà, thời gian làm thủ tục mất từ 7-10 ngày. Với chi phí kiểm tra một mẫu là 2,5 triệu đồng, ước tính 7 năm qua, các doanh nghiệp phải trả hàng trăm tỷ đồng chi phí cho việc kiểm tra formaldehyt, thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài.
Trong khi đó, thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy, chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định. Theo thống kê của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, từ năm 2009, mỗi năm có khoảng 8.000 lô hàng sản phẩm dệt may làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị này phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt, nhưng chỉ có 6 trường hợp (0,0125%) không đáp ứng hàm lượng quy định.
Hơn nữa, cũng chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyte cao quá mức quy định.
"Trong 7 năm qua, doanh nghiệp rất bức xúc và kiến nghị nhiều lần bãi bỏ quy định này nhưng vẫn không được. Thông tư 37 thiếu cơ sở pháp lý, không tuân thủ quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá, vi phạm Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, gỡ khó cho doanh nghiệp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.