Tiền Giang: Người dân phản ứng về Nhà máy giấy Đại Dương
Written by Andy VuThông tin UBND tỉnh Tiền Giang có chủ trương cho phép xây dựng nhà máy giấy Đại Dương rộng hơn 227.500 m2 , với tổng công suất lên tới 413.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Long Giang, thuộc xã Tân Lập I, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang khiến chính quyền và nhân dân vùng Đồng Tháp Mười bày tỏ chưa đồng tình.
Nhiều người lo ngại khi nhà máy giấy đi vào hoạt động, ít nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất của hàng nghìn người dân vùng đất mới này.
Bà Trần Thị Hồng cũng như nhiều hộ dân sống ở bờ Đông Kênh Năng thuộc ấp 4, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước tỏ thái độ chưa ủng hộ khi tỉnh Tiền Giang có chủ trương cho nhà đầu tư xây dựng Nhà máy giấy Đại Dương. Bà Hồng cho biết, khu công nghiệp Long Giang hiện đã có một số doanh nghiệp thải nước thải, khói bụi gây ô nhiễm môi trường, nay có thêm nhà máy giấy sẽ khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng nặng nề hơn. Đặc biệt dòng nước Kênh Năng sẽ không còn phù sa mà đầy tạp chất nguy hại.
“Ở đây vẫn có người sử dụng nước sông nên nếu nước sông ô nhiễm sẽ nguy hiểm đến tính mạng người dân. Nhà máy giấy hoạt động sẽ phải xả nước thải nên xử lý xây dựng ở địa điểm phù hợp hơn, tránh môi trường bị ô nhiễm, thiệt hại, bệnh tật cho người dân”, bà Hồng đề nghị.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở khu công nghiệp Long Giang đều xả nước thải ra Kênh Năng. Trong khi tuyến kênh này kết nối với hệ thống kênh thủy lợi của cả huyện Tân Phước. Do đó, nếu Kênh Năng bị ô nhiễm thì cả vùng Đồng Tháp Mười này bị ảnh hưởng. Một người dân ở xã Hưng Thanh, huyện Tân Phước lo lắng nói: “Nhà máy giấy xây dựng khiến người dân lo sợ, vì người dân hằng ngày vẫn sử dụng nước sinh hoạt chung trên dòng sông. Nhà máy giấy xây dựng làm sao phải có xử lý chất thải, nếu xả thải ra sông sức khỏe người dân sẽ bị đe dọa”.
Dự án nhà máy giấy Đại Dương khi hoạt động, ngoài lượng nước thải khổng lồ rất khó xử lý còn phải thải ra môi trường lượng khói bụi rất lớn. Nếu không kiểm soát chặt sẽ có tác hại khôn lường. Hơn nữa, hiện nay ở gần khu vực này, tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 35 ha. Do đó, nhà máy giấy sẽ ít nhiều tác động đến dự án. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người dân và chính quyền địa phương không đồng tình với việc triển khai xây dựng nhà máy giấy Đại Dương tại đây.
Ông Nguyễn Văn Lãnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập I, huyện Tân Phước chia sẻ, nhân dân phản ánh và không thống nhất, đồng tình với việc xây nhà máy giấy.
“Nhà máy sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống và sinh kế của người dân, đặc biệt là môi trường nước khi hệ thống kênh rạch hẹp, thủy triều lên xuống chậm khiến việc rút chất xả thải không hết, gây tồn dư chất hóa học. Chính quyền địa phương kiến nghị cấp trên nên xem xét, rút kinh nghiệm từ nhà máy ở miền Trung và nhà máy giấy ở tỉnh Hậu Giang, đừng để hậu quả nặng nề cho bà con”, ông Lãnh mong muốn.
Gần đây, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang khá phức tạp. Một số doanh nghiệp tại đây đã xả nước thải nguy hại ra môi trường vi phạm nhiều lần quy chuẩn cho phép bị UBND tỉnh xử phạt hàng trăm triệu đồng. Do đó, các ngành chức năng và UBND tỉnh Tiền Giang cần xem xét, nghiên cứu, đặc biệt cẩn trọng trước khi cho phép nhà đầu tư xây dựng nhà máy giấy vốn rất nhạy cảm về môi trường tại nơi này./.
Tranh cãi nảy lửa
Ông Chiang Ming Jui (tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương VN) thông tin trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng nhà máy sản xuất giấy công suất 175.000 tấn/năm, vốn đầu tư 80 triệu USD. Hiện báo cáo ĐTM lập xong nhưng chưa được thẩm định, phê duyệt do còn nhiều ý kiến khác nhau.
“Nhà máy của chúng tôi hoàn toàn không sử dụng bột giấy để sản xuất mà sử dụng giấy phế liệu nên không thải ra chất dioxin như dư luận lầm tưởng. Công nghệ của chúng tôi hiện đại tương tự Nhà máy giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang, nhà máy này đã được phép chạy thử từ tháng 3-2017” - ông Chiang Ming Jui nói.
Thông tin về công nghệ sản xuất của Nhà máy giấy Đại Dương khiến nhiều người “bật ngửa”. GS.TS Nguyễn Văn Phước (viện trưởng Viện tài nguyên và môi trường - ĐHQG TP.HCM) nói: “Tôi nhận được tài liệu của Sở TN-MT Tiền Giang cho biết dự án này có sử dụng Clo để tẩy trắng. Còn hôm nay nhà đầu tư trình bày công nghệ khác. Tôi cho rằng có gì khuất tất ở đây”.
PGS.TS Võ Lê Phú (khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản, đồng thời thừa nhận không rõ dự án sử dụng công nghệ nào để sản xuất các loại giấy.
Nhà đầu tư đòi bồi thường 10 triệu USD
Ông Chiang Ming Jui cho biết sau khi tỉnh Tiền Giang có quyết định chủ trương đầu tư, công ty đã tiến hành thuê đất, thành lập doanh nghiệp, thuê lập dự án, ĐTM... Đến nay đã chi khoảng 10 triệu USD và giải ngân số tiền hơn 6 triệu USD.
Nếu tỉnh kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư thì công ty này sẽ khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nhờ các bộ thẩm định công nghệ
Ông Trần Phong (cục trưởng Cục Môi trường miền Nam Bộ TN-MT) đề nghị một giải pháp dung hòa: “UBND tỉnh nên nhờ các bộ thẩm định công nghệ của dự án Nhà máy giấy Đại Dương, bao gồm cả công nghệ sản xuất, xử lý nước thải, khí thải. Có kết luận về công nghệ rồi mới tiến hành thẩm định ĐTM được.
Tỉnh cũng cần thuê một đơn vị độc lập tiến hành nghiên cứu thủy văn để xác định nhà máy giấy lấy nước sản xuất và xả thải có ảnh hưởng gì đến môi trường và sản xuất nông nghiệp không?
Tôi đề nghị phải làm nhanh để tránh tổn thất cho nhà đầu tư. Tất cả báo cáo và thông tin hôm nay không đủ để đánh giá. Tôi cũng sẽ báo cáo Tổng cục Môi trường tình hình để hỗ trợ tỉnh tiến hành các bước tiếp theo”.
Ông Phong còn đề nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nên đến Hậu Giang tham quan Nhà máy giấy Lee & Man và làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang để xem tỉnh này quản lý, giám sát nhà máy này như thế nào, xem có thể làm được như vậy không.