Print this page
Thứ hai, 16 Tháng 7 2018 01:53

Xin cơ chế đặc thù bán Bột giấy Phương Nam: Cho không?

Written by
Rate this item
(0 votes)

Việc xin cơ chế đặc thù để bán Nhà máy Bột giấy Phương Nam càng làm thất thoát tiền của Nhà nước, rồi có thể cho không nhà máy.

Sau 3 lần liên tiếp rao bán không thành công dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đắp chiếu suốt 15 năm, Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Bộ Công Thương vừa có báo cáo Thủ tướng xin cơ chế đặc thù để xử lý dự án.

Theo đó, Tổng Công ty Giấy Việt Nam cho hay, việc bán đấu giá dự án hiện gặp khó khăn nếu không có được cơ chế đặc thù. Để giải quyết, Tổng Công ty này đề xuất nếu đấu giá không thành công sẽ giảm 10% cho lần đấu giá tiếp theo, không giới hạn số lần giảm giá cho đến khi khách hàng tham gia đấu giá thành công.

Trao đổi với Đất Việt, một chuyên gia trong ngành giấy cho rằng, đề xuất của Tổng Công ty Giấy Việt Nam là có thể hiểu được trong bối cảnh dự án đã 3 lần rao bán mà không ai mua.

Theo vị chuyên gia này, dự án không có ai mua tức là máy móc, thiết bị không dùng được vào việc gì.

"Tôi được biết, cái chết của Nhà máy Bột giấy Phương Nam là sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu cây đay, không phù hợp với công nghệ, dây chuyền, máy móc. Khi thử nghiệm, người ta đưa đay trồng ở Long An vào thì máy không hoạt động được. Để nhà máy hoạt động được với loại đay trồng ở Long An thì phải làm lại toàn bộ nhà máy, thiết bị, như vậy thì vô ích.

Vì thế, mới có phương án bán nhà máy đi để tận dụng được gì thì tận dụng. Tuy nhiên, có lẽ không ai tận dụng được nên người ta không mua.

Từ đây, Tổng Công ty Giấy Việt Nam mới xin cơ chế đặc thù cho dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Điều này có thể hiểu được, khi một món hàng không có giá trị trên thị trường thì phải xin một chính sách đặc thù cho nó, còn nếu cứ để dự án kéo dài quá lâu, thiết bị ngày càng xuống cấp, bán càng mất giá, khả năng tận dụng ít", vị chuyên gia ngành giấy nhận xét.

Ông cũng bày tỏ quan điểm, bởi dự án bán không ai mua chi bằng cho không, ngay bản thân người nhận chuyển giao nhà máy này cũng phải mất công giải phóng mặt bằng.

"Hàng vạn nông dân ở khu vực trồng nguyên liệu cho nhà máy dứt khoát phải được đền bù, còn số tiền 3.000 tỷ đồng Nhà nước đổ vào nhà máy đành phải chịu mất. Về vấn đề trách nhiệm, ai đáng bị xử lý thì cứ xử lý theo pháp luật. Còn đối với nhà máy này, tôi cho rằng Chính phủ phải có giải pháp giải quyết dứt điểm, quy định rõ thời điểm giải quyết bởi càng kéo dài thì thiệt hại kinh tế cho Nhà nước càng lớn", vị chuyên gia nói.

Cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề của Nhà máy Bột giấy Phương Nam, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đề xuất của Tổng Công ty Giấy chẳng khác nào cho không nhà máy. Sau mỗi lần đấu giá không thành công sẽ giảm 10% cho lần đấu giá tiếp theo, mà lại giảm không giới hạn thì cuối cùng dự án sẽ chẳng còn gì.

Ông Thịnh gọi dự án này là "độc nhất vô nhị" bởi nhà máy chưa hề thí nghiệm làm ra sản phẩm bột giấy. Ngay tại Nga, quốc gia xuất xứ của công nghệ này cũng chưa làm ra bột giấy với chính công nghệ ấy. Vậy nhưng phía Việt Nam vẫn cứ nhập về và đến giờ chưa ai biết nhà máy có làm ra giấy được hay không?

"Với tình trạng ấy làm sao có thể bán được nhà máy? Bán được cho ai? Bản chất vấn đề là những người ra quyết định đầu tư nhà máy và đi nhập dây chuyền công nghệ về đã không hiểu gì về sản xuất bột giấy và dây chuyền sản xuất bột giấy.

Theo đề xuất của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, mỗi lần đấu giá như thế sẽ lại thêm một lần mất tiền Nhà nước. Đó là chỉ cách kéo dài thời gian, chưa kể mỗi lần đấu giá lại họp hành, ban bệ nọ kia tốn kém, không giải quyết được gì", ông Thịnh nói.

Vị chuyên gia đề xuất, nên xử lý dự án theo hướng hạn chế thiệt hại tới mức tối đa: bán đất, nhà xưởng, còn lại "xẻ thịt" nhà máy, phân loại máy móc, cái nào dùng được cho lĩnh vực gì và bán được thì bán, nếu không thì bán theo dạng sắt vụn.

 

Trước đề xuất của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, báo Tiền phong dẫn thông tin từ Bộ Công thương cho hay, hiện chưa có văn bản pháp lý nào của Nhà nước hướng dẫn việc điều chỉnh khởi điểm để tiếp tục bán đấu giá trong trường hợp bán đấu giá lần đầu không thành.

Ðây là điểm rất khó gỡ cho dự án và  Bộ Công thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù tương tự cơ chế tại Nghị định 61/2017/NÐ-CP của Chính phủ trong việc bán đấu giá tài sản dự án.

Cụ thể, khi đấu giá không thành công, cho phép giảm giá khởi điểm 10% để tiếp tục tổ chức đấu giá, số lần giảm tối đa không quá 2 lần.

Trường hợp sau 2 lần giảm giá mà việc tổ chức bán đấu giá vẫn không thành công, đề nghị cho phép tổng công ty tổ chức định giá từng phần của dự án để tiếp tục tổ chức bán đấu giá dự án, báo cáo Chính phủ.

Bộ Công thương cũng kỳ vọng sẽ hoàn thành việc đấu giá dự án trong năm 2018.

Read 995 times

Latest from Andy Vu